Prices / Tin nông nghiệp

Báo động tình trạng gạo Việt lép vế tại thị trường truyền thống

Báo động tình trạng gạo Việt lép vế tại thị trường truyền thống
Author: Thiên Ngân
Publish date: Monday. July 25th, 2016

Thị trường gạo Việt bị co hẹp

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp (Bộ NNPTNT), giá gạo xuất khẩu trên thị trường châu Á tuần qua liên tục giảm do sức ép gia tăng từ các cuộc đấu thầu bán gạo của Chính phủ Thái Lan, trong khi khách hàng từ châu Phi đã trở lại Thái Lan để mua gạo. Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm tuần qua đã giảm xuống còn 375 – 385 USD/tấn (FOB), so với 380 – 390 USD/tấn hồi cuối tháng 6.2016, do nhu cầu giảm trong bối cảnh Chính phủ Thái Lan mở thầu bán gạo.

Được biết, Chính phủ Thái Lan sẽ mở thầu bán 2,48 triệu tấn gạo để xuất khẩu và sử dụng trong công nghiệp vào tháng này, với tham vọng giải phóng toàn bộ kho dự trữ gạo vào giữa năm 2017. Theo đó, gạo 5% tấm của Thái Lan tiếp tục giữ ở mức 420 – 438 USD/tấn (FOB Bangkok). Nguồn cung gạo Thái Lan dự đoán sẽ tăng trong 2-3 tháng tới do thu hoạch lúa vụ mới.

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, tại An Giang, lúa tươi IR50404 giảm thêm 100 đồng/kg, từ 4.300 đồng/kg xuống còn 4.200 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 2514 giảm từ 4.700 đồng/kg xuống còn 4.600 đồng/kg. Tại Bạc Liêu, giá thu mua lúa của Công ty Lương thực tỉnh ổn định ở mức tuần trước là 6.400 đồng/kg đối với lúa OM 5451, 6.600 đồng/kg đối với lúa OM 4900.

Giống như Ấn Độ, giá gạo tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi việc Thái Lan đấu thầu bán gạo, khi giá gạo 5% tấm chế biến từ lúa hè thu trong tuần qua đã giảm nhẹ xuống còn 360 – 370 USD/tấn. Giá chào bán gạo cùng chủng loại chế biến từ lúa đông xuân cao hơn từ 10 – 15 USD/tấn. Tuy nhiên, giá trả thực tế của khách hàng vẫn thường thấp hơn giá chào khoảng 10 USD/tấn.

Trong khi đó, cơ hội ký các hợp đồng bán gạo cho thị trường truyền thống Philippines của Việt Nam đang bị co hẹp khi chính quyền của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết tâm hoàn thành mục tiêu tự cung cấp đủ gạo cho nhu cầu nội địa trong vòng 2 năm tới. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, Chính phủ sẽ hỗ trợ nông dân toàn diện từ tưới tiêu, giống, phân bón cũng như chi phí đầu vào nhằm đạt mục tiêu trong 4 vụ lúa tới. Kế hoạch này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng việc tự cung ứng gạo là một trong những mục tiêu lớn nhất của Tổng thống Duterte và Bộ Nông nghiệp Philippines sẽ quyết tâm hoàn thành trọng trách. Trước mắt, Bộ trưởng Nông nghiệp đã giao nhiệm vụ cho giám đốc các cơ quan nông nghiệp cấp vùng và ai không đáp ứng được sẽ bị cách chức.

Tương lai mờ mịt

Đại diện VFA cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm là do giá cao nên khó cạnh tranh. Đặc biệt, tại một số thị trường truyền thống sức mua giảm đáng kể. Riêng quý I.2016, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 1,4 triệu tấn là do hợp đồng từ cuối năm 2015 để lại.

Đáng lo ngại là tình hình sắp tới sẽ như thế nào, VFA cũng chưa đánh giá được một cách cụ thể. Song nhìn từ thực tế cho thấy, bức tranh xuất khẩu gạo khá ảm đạm, nhu cầu thị trường chưa rõ nét. Bởi lẽ ở thị trường truyền thống sản lượng gạo xuất khẩu giảm đáng kể. Đơn cử, Indonesia luôn bất nhất trong nội bộ nên thay đổi liên tục kế hoạch nhập khẩu gạo, rồi không nhập. Tương tự, Philippines cũng trì hoãn hoạt động nhập khẩu gạo; Trung Quốc thì chỉ mua gạo với giá thấp và sẵn sàng chuyển nguồn mua nếu họ tìm thấy nguồn cung có giá rẻ hơn…

Những thông tin thiếu sáng sủa từ thị trường đã khiến thị trường lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục trầm lắng, giá lúa hè thu biến động từ ổn định đến giảm nhẹ. Trong khi đó, ông trời lại “không chiều lòng người” khi liên tục mưa nhiều, khiến chất lượng hạt gạo giảm sút nên bị khách hàng chê lên chê xuống.

Thời điểm giữa tháng 5.2016, thương lái đặt cọc mua hơn 200ha lúa IR50404 của nông dân các tỉnh ĐBSCL với giá 4.700 đồng/kg lúa tươi, tuy nhiên, càng đến ngày thu hoạch giá lúa, gạo ngoài thị trường càng giảm, đến đầu tháng 7.2016, giá lúa IR50404 giảm chỉ còn 4.000 đồng/kg lúa tươi. Vì thế nhiều thương lái sau khi đặt cọc mua lúa của người dân, đến ngày thu hoạch đã bỏ cọc, khiến bà con phải chạy đôn chạy đáo tìm thương lái khác bán lúa với giá thấp hơn từ 500 - 750 đồng/kg.

Theo dự kiến của VFA, từ nay đến cuối năm xuất khẩu gạo của cả nước ước đạt khoảng 3 triệu tấn, nhưng nếu tình hình vẫn khó khăn và mù mờ như hiện nay thì sẽ khó xác định được mục tiêu xuất khẩu. Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cần Thơ cho rằng: “Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, việc xây dựng thương hiệu cho gạo là giải pháp vô cùng cấp bách, đồng thời giám sát hoạt động sản xuất để sản phẩm đạt chất lượng cao, từ đó tìm kiếm thị trường tốt hơn”. Còn ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký VFA cũng cho rằng cần xem xét lại khâu sản xuất, bởi nếu sản phẩm không đạt chất lượng, thì sớm muộn gạo Việt sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.


Related news

Đạm Cà Mau tri ân nông dân Đạm Cà Mau tri ân nông dân

Ngày mai (26.7), ông Bùi Văn Cấn sẽ từ quê nhà Bến Tre đến Cà Mau tham dự Ngày hội tri ân của Đạm Cà Mau. Đây là lần đi xa nhất của ông trong vòng 10 năm nay - 10 năm gắn bó với cuộc sống khó nhọc ruộng đồng.

Monday. July 25th, 2016
Ăn nên làm ra bằng nuôi lợn khép kín Ăn nên làm ra bằng nuôi lợn khép kín

Khép kín là bí quyết chăn nuôi lợn hiệu quả của ông Hoàng Văn Mơ ở xã Nghĩa Trung, Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Monday. July 25th, 2016
Nông dân - siêu thị cần những cái bắt tay bền chặt Nông dân - siêu thị cần những cái bắt tay bền chặt

Hệ thống siêu thị trên cả nước xuất hiện ngày càng nhiều, mặt hàng nông sản cũng đa dạng để phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên không vì thế mà các trang trại, hay nông dân “dễ thở” hơn, bởi vẫn thiếu những cái bắt tay bền chặt giữa nông dân và siêu thị.

Monday. July 25th, 2016